Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa: Mô hình phối thuộc bền vững, phát triển

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2014-2015, khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa phối hợp với Viện Cơ học đã tổ hức hội nghị cán bộ viên chức và tổng kết năm học 2013-2014 vào ngày 22/08.

Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa: Mô hình phối thuộc bền vững, phát triển

Tham dự hội nghị, về phía Viện Cơ học có PGS.TS. Bùi Đình Trí - Phó Viện trưởng Viện. Về phía trường Đại học Công nghệ có PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo phòng ban chức năng và toàn thể các cán bộ, giảng viên khoa CHKT&TĐH.

Trong hội nghị, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng- Phó Chủ nhiệm thường trực khoa CHKT&TĐH đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình năm học 2013-2014, kết quả thực hiện Nghị quyết của hội nghị cán bộ viên chức 2013, kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015. Trong năm học 2013-2014, khoa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với các kết quả về công tác tổ chức cán bộ, hoạt động trên cơ sở phối thuộc giữa trường và Viện Cơ học. Về công tác đào tạo, hai khóa sinh viên K54H và K55M đạt kết quả 100% sinh viên bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp với điểm số cao. Khoa đã xây dựng và bảo vệ xong chương trình đào tạo thạc sỹ Kỹ thuật Công nghệ Cơ điện tử, tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ Cơ học kỹ thuật. Về công tác nghiên cứu khoa học, các giảng viên đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp ĐHQGHN và cấp Nhà nước.
Trong năm học 2014-2015, khoa sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; triển khai hoạt động PTN thực hành phục vụ đào tạo, PTN Công nghệ cơ điện tử đã được đầu tư; cần có lộ trình và biện pháp để tăng thêm số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên.

Trong phần thảo luận, để mô hình phối thuộc giữa khoa CHKT&TĐH- Viện Cơ học ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng, nhiều ý kiến đóng góp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nguồn và giảng viên đã được nêu ra. TS. Nguyễn Anh Thái- Phó hiệu trưởng nhận định mô hình phối thuộc giữa Khoa CHKT&TĐH với Viện Cơ học là mô hình chất lượng, nhưng cần được đầu tư nhiều yếu tố để mô hình vững mạnh hơn nữa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, công tác đào tạo. Vì vậy, trong công tác tài chính cơ sở vật chất, đây cũng là nhiệm vụ để trường Đại học Công nghệ và Viện cơ học quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ trong các công việc. Đặc biệt là, kiện toàn, sử dụng khai thác cơ sở vật chất trong công tác đào tạo. Về chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm trong mô hình phối thuộc sẽ phải khác với những cán bộ kiêm nhiêm ở các khoa còn lại và hai đơn vị phải dần tiến tới chế độ, chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu của việc hợp tác.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình khẳng định khoa CHKT&TĐH là một khoa đặc biệt, một số chính sách của mô hình đã dần thay đổi để phù hợp với sự phát triển và hợp tác giữa trường với viện như các giảng viên kiêm nhiệm đã tham gia một cách chủ động các hoạt động của khoa. Trong thời gian tới, khoa cần quan tâm làm rõ định hướng phát triển để tương xứng với quy mô, kỳ vọng và tiềm năng sắp tới của khoa. Khoa CHKT&TĐH là khoa duy nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo kỹ sư. Từ đó, nảy sinh thêm một loạt các yêu cầu về kỹ sư cùng với việc phát triển các lớp chất lượng cao. Đây là việc cần thiết mà trường và viện cần chuẩn bị để thực hiện.

Một là, môi trường cơ sở vật chất của viện hay trường đầu tư cần được quán triệt với cán bộ và sinh viên rằng đều là cơ sở chính để triển khai chương trình. Tới đây nhà trường sẽ đẩy mạnh cơ sở vật chất cùng với viện để hiệu quả tạo môi trường an tâm cho thầy và trò.

Hai là, công tác tổ chức cán bộ cần môi trường hấp dẫn bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho các cán bộ. Môi trường của Nhà trường là môi trường bền vững, khuyến khích cán bộ viên chức phát triển.

Ba là, khoa cần phối hợp với viện và chế độ của Nhà trường để tạo ra sự gắn kết với các giảng viên kiêm nhiệm. Thời gian tới, Nhà trường và Viện sẽ tìm giải pháp về chế độ nhằm tăng cường sự quan tâm để nâng cao trách nhiệm của các giảng viên kiêm nhiệm (như hoạt động thường xuyên, mở rộng các hoạt động gồm chủ trì đề tài).
Bốn là, khoa cần tiếp tục phát huy những điều kiện tạo nên thương hiệu cho Nhà trường nói chung và khoa nói riêng. Trong lĩnh vực quán lý sinh viên, các cán bộ trẻ của khoa cần chăm sóc và gần gũi với sinh viên tạo cộng đồng gắn kết để sinh viên cảm thấy an tâm, ấm cúng; phát huy sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài. Đối với những doanh nghiệp đã từng hợp tác và ký kết như IMI, NARIME khoa cần chủ động triển khai liên kết các phòng thí nghiệm và thu hút sinh viên tham gia các hoạt động với các đối tác.
Năm là, công tác kiểm định chất lượng sẽ giúp khoa nhìn rõ điểm mạnh và tồn tại của các mảng hoạt động để tìm cách khắc phục. Để chuẩn bị cho lần kiểm định đầu tiên của khoa, trường và viện sẽ cùng nhau triển khai về cơ sở vật chất, các hoạt động đào tạo, giảng dạy để mỗi giảng viên đều có đóng góp cho sự lớn mạnh khoa.




Tham gia bình luận

Đánh giá





Từ khóa phổ biến